image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

BÀI KỂ CHUYỆN TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
Lượt xem: 69
Cách nay 128 năm, vào ngày 19/5/1890, một vĩ nhân đã ra đời, một ngôi sao lung linh tỏa sáng trên bầu trời đầy sao sáng của dân tộc Việt Nam. Sau 79 mùa xuân, vị vĩ nhân ấy đã đi vào cõi vĩnh hằng bất diệt của lòng tự hào dân tộc. Vị vĩ nhân ấy chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Người xưa có câu: "Thác là thể phách, còn là tinh anh"

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta - vị lãnh tụ cách mạng thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới tuy không còn nữa nhưng tinh anh của Người đã để lại cho chúng ta một di sản to lớn, đó là tư tưởng vĩ đại và một tấm gương sáng ngời về đạo đức - tượng trưng cho những gì cao đẹp nhất của nhân cách và khí phách Việt Nam.

 Một trong những đặc trưng cơ bản của đạo đức Hồ Chí Minh là phẩm chất "Cần, kiệm, liêm, chính". Trong đó, có thể nói tính tiết kiệm, chống lãng phí  là một nét đẹp của nhân cách Hồ Chí Minh mà chúng ta cần học tập và làm theo.

 Tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác về tiết kiệm, chống lãng phí là rất rộng lớn, song cũng hết sức cụ thể soi sáng mọi lĩnh vực của cuộc sống. Có thể nói rằng, một con người nếu biết học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác thì người đó nhất định là người tốt. Một gia đình biết học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác thì gia đình đó có hạnh phúc. Một cơ quan, tổ chức biết học tập và làm theo tấm gương của Bác thì cơ quan, tổ chức đó sẽ trong sạch, vững mạnh. Do đó, chúng ta cần coi việc học theo lời Bác và làm theo tấm gương của Bác về tiết kiệm, chống lãng phí như là một trong những tiêu chí đạo đức để làm người.

Ðức tính tiết kiệm, chống lãng phí của Bác không chỉ thể hiện qua nhiều bài viết, bài nói chuyện mà còn được biểu hiện qua hành vi thái độ hàng ngày như một nguyên tắc sống của Người. Không chỉ kêu gọi mọi người tiết kiệm, chống lãng phí mà bản thân Người cũng luôn ý thức tiết kiệm vì mọi người. Đức tính đó đã được khắc họa sâu sắc qua câu chuyện "Đôi dép cao su của Bác".

Đôi dép đã đi vào huyền thoại, thậm chí là đề tài đặc sắc của thơ ca, nhạc, họa nước nhà, đôi dép "ra đời" vào năm 1947, được "chế tạo" từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc. Đôi dép được đo cắt không dày lắm, quai trước to bản, quai sau nhỏ rất vừa chân Bác. Sau một thời gian sử dụng, gót đôi dép đã mòn vẹt, phía mũi dép còn giữ nguyên vết lõm do dấu ngón chân của Bác hằn xuống.

Trên đường công tác, Bác nói vui với anh em cán bộ đi cùng: Đây là đôi hài vạn dặm trong truyện cổ tích ngày xưa... Đôi hài thần đất, đi đến đâu mà chẳng được.

Chẳng những khi "hành quân" mà cả mùa đông Bác vẫn đi đôi dép ấy và thêm đôi tất cho ấm chân. Tiếp khách trong nước và cả khách quốc tế, mọi người vẫn thường thấy Bác đi đôi dép quen thuộc đó.

Gặp trời mưa trơn, bùn nước vào đôi dép khó đi, Bác tụt dép xách tay. Đi thăm bà con nông dân, sải chân trên các cánh đồng đang cấy, đang vụ gặt, Bác lại xắn quần lội ruộng, tay xách hoặc nách kẹp đôi dép...

Mười một năm rồi vẫn đôi dép ấy... Các đồng chí cảnh vệ cũng đã đôi ba lần "xin" Bác cho đổi dép nhưng Bác bảo "vẫn còn đi được".

Cho đến lần đi thăm Ấn Độ, Bác cũng vẫn đi đôi dép ấy, khi Bác lên máy bay, ngồi trong buồng riêng thì anh em lập mẹo giấu dép đi, để sẵn một đôi giày mới...

Máy bay hạ cánh xuống thủ đô Niu Đê -li. Bác tìm dép. Anh em thưa:

- Có lẽ đã cất xuống khoang hàng rồi thưa Bác...

Bác ôn tồn nói:

- Bác biết các chú cất dép của Bác đi chứ gì. Nước ta còn chưa được độc lập hoàn toàn, nhân dân ta còn khó khăn. Bác đi dép cao su nhưng bên trong lại có đôi tất mới, thế là đủ ấm mà vẫn lịch sự...

Thế là các ông "tham mưu con" phải trả lại đôi dép để Bác đi vì dưới đất chủ nhà đang nóng lòng chờ đợi...

Trong suốt thời gian ở Ấn Độ, các chính khách, nhà báo, quay phim, chụp ảnh… lại rất quan tâm đến đôi dép của Bác. Họ cúi xuống sờ nắn quai dép, thi nhau bấm máy ở nhiều góc độ, rồi ghi ghi chép chép... làm anh em cảnh vệ lại phải một phen xem chừng và bảo vệ "đôi hài thần kỳ" ấy.

Năm 1960, Bác đến thăm một đơn vị hải quân nhân dân Việt Nam. Vẫn đôi dép "thâm niên" ấy. Bác đi thăm nơi ăn, chốn ở, trại chăn nuôi của đơn vị. Cán bộ và chiến sĩ được gần Bác, Bác vui cười nắm tay chiến sĩ này, vỗ vai chiến sĩ khác. Bỗng Bác đứng lại:

- Thôi, các cháu dẫm làm tụt quai dép của Bác rồi...

Nghe Bác nói, cả đám dừng lại cúi xuống yên lặng nhìn đôi dép rồi lại ồn ào lên:

- Thưa Bác, cháu, để cháu sửa. Thưa Bác, cháu, cháu có "rút dép" đây...

Nhao nhác, ầm ĩ như thế, nhưng đồng chí cảnh vệ chỉ đứng cười vì biết đôi dép của Bác đã phải đóng đinh rồi, có "rút" thì cũng vô ích..

Bác cười nói:

- Cũng phải để Bác đến chỗ gốc cây kia, có chỗ dựa mà đứng đã chứ!

Bác "lẹp xẹp" lết đôi dép đến gốc cây, một tay vịn vào cây, một chân co lên tháo dép ra, "thách thức":

- Đây! Cháu nào giỏi thì chữa hộ dép cho Bác...

Một anh nhanh tay giành lấy chiếc dép, giơ lên nhưng ngớ ra, lúng túng. Anh bên cạnh liếc thấy, vội chạy đi tìm dụng cụ.

Bác phải giục:

- Ơ kìa, nhắm mãi thế, nhanh lên cho Bác còn đi chứ!

Anh chiến sĩ lúc nãy chạy đi đã trở lại với chiếc búa con và cái đinh:

- Tôi, để tôi sửa dép...Mọi người dãn ra. Phút chốc, chiếc dép đã được chữa xong.

Những chiến sĩ không được may mắn chữa dép phàn nàn:

- Tại dép của Bác cũ quá, thưa Bác, Bác thay dép đi ạ!

Bác nhìn các chiến sĩ nói:

 - Các cháu nói đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Đôi dép của Bác cũ nhưng nó chỉ mới tụt quai. Cháu đã chữa lại chắc chắn cho Bác thế này thì còn "thọ" lắm! Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên. Ta hãy tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo...

 Câu chuyện nêu trên chỉ nói lên phần nào trong chuỗi giai thoại về sự tiết kiệm của Bác. Cuộc đời riêng trong sáng như pha lê của Bác là một tấm gương sáng ngời về đức tính tiết kiệm. Bác đã từng nói: "Đất nước còn nghèo, Chủ tịch nước cũng phải tiết kiệm". Tiết kiệm không phải là cách để Bác xây dựng hình ảnh tốt đẹp của một chính trị gia trong công chúng. Người tiết kiệm là bởi nghĩ đến những đồng bào của mình còn nghèo khổ, đất nước mình còn khó khăn. Và chúng ta nghiệm ra rằng: cá nhân tiết kiệm là góp phần tiết kiệm cho dân, cho nước, đã là đảng viên, đã là cán bộ có chức vụ thì càng cần phải tiết kiệm.

Quan điểm "tiết kiệm" của Bác không phải là hà tiện, ky bo, mà với Người thì "Việc gì nên làm thì tốn kém bao nhiêu cũng làm, việc gì không đáng làm thì một xu cũng không làm". Người còn dạy rằng: Tiết kiệm phải luôn đi với cần cù, Người coi cần và kiệm như 2 chân của con người, phải song hành với nhau. Bồi dưỡng được phẩm chất cần, kiệm sẽ làm cho chúng ta vững vàng trước mọi thử thách "Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục".

  Đã gần 50 năm sau ngày Bác mất, nhưng những bài học về tiết kiệm, nhất là tiết kiệm của công vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự cao đối với toàn Đảng, toàn dân ta. Nhất là khi nước ta đang hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, bên cạnh những thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải quyết liệt thực hiện quốc sách thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Học Bác về tiết kiệm, chống lãng phí tức là chúng ta đã góp một phần nhỏ vào việc chống biểu hiện suy thoái đạo đức lối sống (theo Nghị  quyết Trung ương 4 khóa 12, mục 6): "Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên…; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động".

Thời gian qua, chúng ta không thiếu những tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm, gương mẫu, đi đầu trong công tác, lao động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, những điển hình trong nếp sống tiết kiệm, phong cách làm việc tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội hiện nay chưa được nhân lên để trở thành phong trào rộng rãi. Tiết kiệm, chống lãng phí chưa trở thành nếp nghĩ, nếp sống của mỗi người dân, mỗi cán bộ. Vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ có chức, có quyền vẫn chưa làm đúng những lời dạy của Bác. Bởi chúng ta vẫn còn thấy có những chiếc xe công đắt tiền trị giá hàng nghìn con trâu; những ngôi biệt thự, nhà công bị biến thành của tư; những vụ án tham ô, vô trách nhiệm thất thoát tiền ngàn tỷ của nhà nước, của nhân dân; những đề án, những dự án lãng phí một cách vô tội vạ tài sản của quốc gia; những lễ hội, kỷ niệm đình đám, không mang ý nghĩa thiết thực ở các địa phương; những tiệc tùng xa hoa trong việc cưới, việc tang của một bộ phận cán bộ, công chức…

Qua những câu chuyện về Bác, cá nhân tôi đã tự soi vào, tự vấn mình, vì có những lúc mình đã hoang phí biết chừng nào. Chiếc áo chỉ hơi sờn vai, mình chê không mặc; cái xe cũ kỹ, mình ngại không đi; chiếc điện thoại còn sử dụng được, sao mình lại đổi cái mới? Ăn uống thừa mứa đem bỏ đi, chứ không "ăn cho hết, để cho còn" như tấm gương của Bác. Trong cơ quan cũng vậy, vẫn có người đến cơ quan còn đủng đỉnh, xuê xoa chưa chịu bắt tay ngay vào công việc, vẫn còn đâu đó những hiện tượng đi trễ, về sớm, họp không đúng giờ, sử dụng điện nước, điện thoại bàn, văn phòng phẩm còn lãng phí. Học ở Bác, ta phải thay đổi ngay điều này. Thay đổi từ nhận thức và phải thay đổi ngay lập tức!

Chắc rằng, khó có ai học tập và làm theo một cách toàn diện những đức tính tuyệt vời của Bác, nhưng nếu cầu thị tiến bộ thì chúng ta vẫn phấn đấu thực hiện được những lời Bác dạy. Vì khi đã có một đội ngũ cán bộ "học và làm theo Bác" cùng chia sẻ với mọi người kinh nghiệm, hạnh phúc khi làm theo Bác, hẳn đó sẽ là những câu chuyện giàu sức lay động, lan tỏa và thuyết phục hơn những bài tuyên truyền, những câu khẩu hiệu, những buổi học tập và bài thu họach dài lê thê.

Tôi nghĩ rằng không phải làm được những việc lớn lao, phải thực hiện những cái cao siêu thì mới thể hiện được tinh thần tiết kiệm. Thật sự, chữ "kiệm" ấy ta luôn bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn tắt một chiếc quạt, một cái đèn, khóa lại vòi nước ở cơ quan khi không còn sử dụng, đó chính là tiết kiệm. Làm việc đúng giờ, chống tệ "đi trễ về sớm" cũng là tiết kiệm. Sắp xếp công việc một cách khoa học, hiệu quả, giờ nào việc ấy chính là tiết kiệm. Tiếp khách với mức độ phù hợp nhưng trọng thị lại càng là tiết kiệm. Tôi nhận thức sâu sắc rằng, những việc làm đó tuy nhỏ nhưng là cách thiết thực nhất để "làm theo" tấm gương đạo đức của Bác.  Mỗi một chúng ta cần phải thường xuyên tự nhắc mình và những người bên cạnh thực hành tiết kiệm với tinh thần "Nâng niu gom góp dựng cơ đồ". Nếu ai cũng ý thức được như vậy và bản thân mình luôn biết cần phải làm gì để trở thành một cán bộ ích nước, lợi dân thì việc phấn đấu để trở thành một người cán bộ hội đủ 4 đức tính "cần, kiệm, liêm, chính" là một mục tiêu mà ai cũng có thể vươn tới được.

Đất nước ta còn nghèo, nhưng dân tộc này có Hồ Chí Minh. Dân tộc ta đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên đã đánh bại đế quốc, được thế giới suy tôn là dân tộc anh hùng. Ngày nay dân tộc ta tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác để chúng ta lớn mạnh vươn mình Phù Đổng theo kịp bạn bè khắp năm châu bốn biển. Chúng ta đang khát khao làm nên những điều kỳ diệu cho đất nước này và nhất định chúng ta sẽ làm được. Đất nước Việt Nam có dáng Rồng sẽ hoá Rồng như kỳ vọng "Thăng Long" của hồn thiêng dân tộc và như nguyện ước của Bác Hồ./.

                                                     Nguyễn Bá Luân - Giám đốc Sở

                                                          Đảng viên Tổ Đảng 4 –

                                         Chi bộ cơ sở Sở Thông tin và Truyền thông